Vòng lặp của sự chấp nhận - Tâm lý con người

Vòng lặp của sự chấp nhận là một chu kỳ mà một cá nhân hoặc tổ chức hầu hết phải trải qua khi nhận được tin tức xấu hoặc một ý kiến trái chiều. Bước vào vòng lặp là điều khó tránh khỏi và việc mất bao lâu để hoàn thành một chu kỳ của vòng lặp là rất quan trọng.

Jan 12, 2023 - 11:31
 0  315
Vòng lặp của sự chấp nhận - Tâm lý con người
Vòng lặp của sự chấp nhận - Tâm lý con người

Vòng Lặp Của Sự Chấp Nhận Trong Tâm Lý Học

Bạn sẽ trải qua những trạng thái như thế nào khi đối mặt với một tin tức xấu, chẳng hạn như có tin tức rằng bạn sẽ bị điểm kém vì đã làm bài kiểm tra không tốt? 

Để trả lời cho câu hỏi trên, trong bài viết này, chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về vòng lặp của sự chấp nhận, giải thích những trạng thái tâm lý của chúng ta khi đối mặt với một tin tức xấu. 

Giải Thích Về Vòng Lặp Của Sự Chấp Nhận

Vòng lặp của sự chấp nhận là một chu kỳ mà một cá nhân hoặc tổ chức hầu hết phải trải qua khi nhận được tin tức xấu hoặc một ý kiến trái chiều. Bước vào vòng lặp là điều khó tránh khỏi và việc mất bao lâu để hoàn thành một chu kỳ của vòng lặp là rất quan trọng. Càng ở lâu trong chu kì, họ càng giảm khả năng đối mặt với vấn đề theo cách tích cực và khôn ngoan.

Giải Thích Mô Hình

Các giai đoạn:

  1. Sự Tồn Tại Bình Thường (Normal Existence): Tại thời điểm này, một người có khả năng lập luận khách quan, hợp lý và không bị chi phối bởi những nghi ngờ và cảm xúc thái quá.
  2. Tiếp Xúc Với Tin Xấu (Receipt Of Bad News): Ở bước này, họ bắt đầu nhận thức được có chuyện không hay đã xảy ra. 
  3. Phủ Nhận Tin Xấu (Denial): Họ từ chối những thông tin bất lợi và cho rằng có gì đó sai sót. Có thể họ không ý thức được người đang làm sai là bản thân. Có thể đi kèm với việc đổ lỗi và gán trách nhiệm cho những người khác ngoại trừ bản thân họ.
  4. Tức Giận (Anger): Họ nổi nóng và tâm lý mất kiểm soát do tin tức này có thể quá sức chịu đựng của họ. Họ không muốn nghe thêm bất cứ điều gì liên quan đến tin tức không tốt này. Một trong những biểu hiện của sự tức giận là công kích người khác (aggression). Người phải hứng chịu tin xấu có thể tấn công ngược lại người mang tới tin tức đó bằng lời nói (quát, hét, cáu giận), thậm chí là bằng hành động (ném đồ, đánh). Tất cả chỉ để giúp họ phát tiết những cảm xúc đang bùng nổ bên trong.
  5. Tâm Trạng Sa Sút, Trở Nên Buồn Bã (Depression): Đó là khi họ nhận ra những tin tức họ đang gánh chịu là sự thực. Có một điều đáng buồn là họ không thể làm gì để cải thiện hay thay đổi nó. Họ rơi vào cảm giác vô vọng. Tiếp đến là một quá trình khiến họ mắc kẹt trong vòng lặp lâu nhất: Bối rối, nghi ngờ - một chút thương lượng với bản thân – tiếp tục tức giận và phủ định. Tuy vậy nếu thoát khỏi quá trình này, họ có thể yên tâm rằng họ sắp thoát khỏi vòng lặp.
  6. Thương Lượng Với Bản Thân (Bargaining): Họ hiểu rằng mọi thứ sẽ không thay đổi, tin xấu và những ý kiến trái chiều sẽ vẫn tồn tại ở đó và phép màu sẽ không xảy ra. Tuy vậy họ biết rằng họ phải sớm chấp nhận điều này vì họ còn cả cuộc đời phía trước. Ngoài ra họ cũng bắt đầu thuyết phục bản thân nhằm tự hiểu rằng họ nên thoát khỏi nỗi đau

Sau khi vượt qua bước số 7, họ sẽ lại trở về trạng thái số 1 và ở đó cho đến khi phải tiếp nhận một thông tin xấu khác.

Ví Dụ

Giả sử bạn vừa làm một bài kiểm tra quan trọng và khi ra khỏi phòng thi thì những người bạn đi tới và cho bạn xem một đáp án khác với những gì bạn giải trong bài. Trong tình huống này, bạn sẽ bước vào vòng lặp của sự chấp nhận và trải qua các bước.

  • Giai đoạn 1 - Trạng thái bình thường: Đó là khi chưa biết gì về đáp án của người kia, và lúc này bạn vẫn chưa bị ảnh hưởng bởi một ý kiến hay cảm xúc gì.
  • Giai đoạn 2 - Tiếp nhận tin xấu: Người bạn kia đi đến và cho bạn xem đáp án của họ. Lúc này bạn sẽ phải thốt lên “Ôi không, chúng không giống những gì tôi làm”. Đó là khi bạn đã bước vào giai đoạn số 2 – đối mặt với tin xấu rằng có thể bài bạn làm đã sai và bạn sẽ bị điểm kém.
  • Giai đoạn 3 - Phủ nhận: Lúc này bạn sẽ liên tục phủ nhận tin tức bạn vừa tiếp nhận được. Bạn sẽ liên tục cho rằng hai người giải hai đề bài khác nhau nên có đáp án khác nhau hoặc người bạn kia mới là người giải bài tập sai chứ không phải bạn.
  • Giai đoạn 4 – Tức giận: Bạn dường như mất bình tĩnh vì cảm xúc bị tác động. Bạn có thể sẽ có những hành động như vò mép áo, đấm lên tường, ném một món đồ hoặc liên tục lớn tiếng lặp lại các câu nói như “Đừng nói nữa, im đi, tôi không muốn nghe gì hết!”. Thậm chí bạn có thể công kích người khác. Lúc này bạn sẽ đem sự tức giận trút hết lên những người khác, quát họ rằng “Ai cần mày mang kết quả đến đây, ai cần xem cái bài giải kia! Tất cả là tại mày!”. Với những người khó khăn trong việc kiềm chế cảm xúc, ẩu đả là điều hoàn toàn có thể xảy ra.
  • Giai đoạn 5 – Xuống tinh thần: Sau khi trải qua một cơn phẫn nộ, bạn bắt đầu rơi vào sự buồn bã vì những tin xấu mang lại. Bạn sẽ thu mình vào thế giới riêng và che giấu thông tin. Điều này tương tự như cách một số tổ chức sau khi phát hiện các ý kiến không tốt thì bắt đầu giữ bí mật càng nhiều hơn hoặc chỉ thực hiện các công việc trong nội bộ và giảm công việc bên ngoài để tránh đối đầu và chỉ trích. Về cơ bản, nó giống như một cách để trốn tránh sự thật và làm sự thật bớt đau đớn hơn.
  • Giai đoạn 6 - Thương lượng: Lúc này bạn sẽ tự đặt câu hỏi trong đầu “Tin xấu này mang đến một số sự thật, có đúng không? Có lẽ nó không hoàn toàn là tiêu cực?”. Thật vậy, bạn sẽ dần dần hiểu được rằng bạn không nên cảm thấy xấu hổ về chuyện này. Sẽ đáng xấu hổ hơn rất nhiều nếu bạn né tránh tin xấu và từ chối kinh nghiệm cũng như cơ hội tự nhìn nhận và cải thiện bản thân mà nó mang lại. Trong ví dụ này, biết đâu tin xấu sẽ là hồi chuông đánh thức bạn, giúp bạn nhận ra mình đã học tập thiếu hiệu quả mà rất có thể trong tương lai nếu bạn tiếp tục mắc phải, nhiều điều tệ hơn sẽ xảy ra.
  • Giai đoạn 7 – Chấp nhận: Từ bước thương lượng, bạn sẽ chuyển đến bước cuối cùng rất nhanh. Lúc này bạn đã dũng cảm và sẵn sàng thừa nhận sai lầm hoặc đối mặt với tình huống không mong muốn. Tuy nhiên không có gì phải ngại ngùng mà hãy cảm thấy tự hào vì bạn đã bước ra khỏi vòng lặp này và có cơ hội cải thiện thực tế.

Vì Sao Vòng Lặp Của Sự Chấp Nhận Quan Trọng?

Bạn sẽ thắc mắc rằng vòng lặp này mang lại giá trị gì nếu ai cũng phải lần lượt đi qua từng giai đoạn kể trên. 

Thực ra điều quan trọng nhất là bạn cần nhận biết khi nào bạn bắt đầu bước vào giai đoạn 2 – tiếp nhận tin không tốt. Bạn có thể phải đi qua cả 7 giai đoạn nhưng hoàn toàn có thể thực hiện một bước nhảy vọt. Không cần phủ nhận các thông tin trái chiều hay đau buồn vì nó, bạn có thể bước ngay đến giai đoạn số 6 – thương lượng – một cách chủ động và khách quan. Ở đó, bạn sẽ có được sự bình tĩnh và tỉnh táo để cân nhắc các ý kiến và chấp nhận thông tin mới cũng như bỏ lại những sự bảo thủ cũ. Và nhờ đó, bạn cũng tránh phải chịu cảm giác thất vọng, đau khổ và mắc kẹt trong chúng quá lâu.

Kết Lại

Khi đối mặt với một tin không tốt hay một ý kiến trái chiều, tâm lý của chúng ta dường như rơi vào một mớ bòng bong về cảm xúc và không biết bắt đầu thoát ra từ đâu. Hiểu về vòng lặp của sự chấp nhận sẽ giúp bạn có cái nhìn rõ ràng về những giai đoạn mà chúng ta phải đối mặt, cũng như làm sao để giảm thiểu các cảm xúc tiêu cực xuống mức thấp nhất. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng kiến thức này trong việc đón nhận tin xấu một cách chủ động, khách quan và tích cực

CryptoCloud9 - Trang thông tin tổng hợp về tiền điện tử