Đề xuất có đường phố, trường học mang tên Danh nhân Lưu Đình Chất

(Dân trí) - Nhiều nhà khoa học, sử học đề xuất nên có thêm những hình thức vinh danh xứng đáng với những đóng góp của Danh nhân Lưu Đình Chất - vị Tiến sĩ, Tể tướng phủ Chúa thời Lê trung hưng.

Jul 8, 2024 - 09:00
Jul 8, 2024 - 09:11
 0  10
Đề xuất có đường phố, trường học mang tên Danh nhân Lưu Đình Chất

Những đề xuất, mong muốn này được trình bày tại Hội thảo Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông diễn ra mới đây tại Thanh Hóa.

Hội thảo do Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam, UBND xã Hoằng Quý và huyện Hoằng Hóa (Thanh Hóa) tổ chức quy tụ các nhà nghiên cứu Hán Nôm, lịch sử từ Viện Sử học Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa, Viện Văn học Việt Nam… với 30 tham luận.

Đề xuất có đường phố, trường học mang tên Danh nhân Lưu Đình Chất - 1

Hội thảo "Vai trò của Danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản về ông" (Ảnh: Ban Tổ chức).

Hướng tới việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản Danh nhân Lưu Đình Chất, căn cứ trên những nghiên cứu tại các địa phương mà ông để lại dấu ấn, các tác giả Trần Quang Minh và Lê Thị Thanh Thủy kiến nghị: "Sau Hội thảo khoa học này, để tôn vinh công trạng của Dinh điền Chánh sứ Tiến sĩ Lưu Đình Chất và tri ân báo hiếu Đức Ngài, nhân dân huyện Giao Thủy, Nam Định mong muốn tại tỉnh Nam Định có đường phố và trường học mang tên Danh nhân lịch sử Lưu Đình Chất". 

Đối với những di tích hiện có, gồm đình Đông Khê, từ đường dòng họ Lưu Đình, khu lăng mộ Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, cần tiếp tục đầu tư, bảo tồn, tôn tạo, xếp hạng (Đình Đông Khê và khu lăng mộ được xếp hạng cấp tỉnh năm 1993, cùng với các di tích khác thành cụm di tích ở Quỳ Chử).

Các nhà khoa học cũng đề nghị địa phương cùng ngành văn hóa lập dự án đề nghị khu di tích đình Đông Khê là di tích cấp quốc gia, Từ đường dòng họ Lưu Đình ở Đông Khê được xếp hạng cấp tỉnh, vì tại đây còn lưu giữ sắc phong về Ngài.

Khu lăng mộ Lưu Đình Chất khá rộng rãi nhưng còn sơ sài, cần tôn tạo lăng, miếu thờ, phần mộ, sao cho xứng tầm là lăng mộ của vị quan đại thần. Đối với những di tích không còn nữa, như Văn chỉ hàng Tổng, Nghè Đông Khê… cần tiếp tục nghiên cứu, tiến tới lập dự án phục dựng.

Ông Lưu Đình Chất là một nhà khoa bảng tiêu biểu, trong dòng chảy khoa bảng của vùng đất Cổ Đằng xưa, Hoằng Hóa ngày nay. Vì vậy TS. Lê Ngọc Tạo - Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Thanh Hóa và nhiều nhà nghiên cứu - cho rằng cần đổi tên cho một trường học hiện nay (có thể là Trường THPT Hoằng Hóa 2, hay Trường THCS, Trường tiểu học xã Hoằng Quỳ) mang tên Lưu Đình Chất.

Trong ngân hàng tên đường phố của Hoằng Hóa, hay TP Thanh Hóa phải có tên Danh nhân Lưu Đình Chất.

Trong nội dung lễ hội Bút Nghiên thường niên của huyện Hoằng Hóa (mới được tổ chức từ 2021-2024) nên tăng cường nội dung giáo dục tấm gương của các danh nhân tiêu biểu của quê hương, trong đó có Lưu Đình Chất.

Những người làm công tác giáo dục lịch sử như TS. Nguyễn Thị Vân và TS. Nguyễn Thị Thu Hà đề xuất một số việc khả thi, cần thiết và có thể áp dụng ngay được: "Môn Giáo dục địa phương và các Hoạt động trải nghiệm sáng tạo, ít nhất là ở huyện Hoằng Hóa, gần hơn nữa là ở xã Hoằng Quỳ cần đưa nhân vật này vào nội dung giảng dạy (phần mềm) ở cả 3 nội dung: Lịch sử địa phương, Văn học địa phương, Văn hóa địa phương.

Cần tổ chức các buổi học tập, trải nghiệm tại các di tích có liên quan đến Danh nhân Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ (Đình làng Đông Khê, Từ đường họ Lưu Đình, Khu lăng mộ cụ Lưu Đình Chất…), tổ chức các buổi nói chuyện, hay các cuộc thi tìm hiểu về các danh nhân tiêu biểu của quê hương". 

Theo các nhà sử học, khoa học, sự nghiệp giáo dục lịch sử cho học sinh, sinh viên không thể khoán trắng cho các nhà trường, mà cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và đông đảo các tầng lớp nhân dân. 

Danh nhân Lưu Đình Chất (1566-1627) sinh ra và lớn lên trong gia tộc lớn họ Lưu ở Thanh Hóa, từng thi đỗ đại khoa và làm quan triều Lê Trung hưng. Theo sử liệu, ông đỗ đạt khá muộn, khi đã 42 tuổi, do lớn lên trong thời loạn, việc học hành thi cử nhiều khó khăn.

Tuy nhiên, theo TS Lê Quang Chắn, Phó viện trưởng phụ trách Viện Sử học Việt Nam, trong bối cảnh chung của giáo dục Nho học Đàng Ngoài thời Lê trung hưng, ông Lưu Đình Chất là nhân vật nổi trội nhất, cả về con đường làm quan cũng như công lao, đóng góp với quê hương, đất nước.

Sau khi đỗ Hoàng giáp (1607), ông Lưu Đình Chất vẫn đảm nhận công việc ở Bộ Lại, đến năm 1613 thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá. Đặc biệt sau đó, đến năm 1616, ông Lưu Đình Chất được cử làm Chánh sứ sang nhà Minh.

Trong chuyến đi sứ, ông Lưu Đình Chất đã gia tăng tình hòa hiếu không chỉ với nhà Minh mà còn mở rộng giao hảo với sứ thần Cao Ly.

TS Phạm Văn Ánh, Viện Văn học Việt Nam, đánh giá: "Đối với người được chọn làm Chánh sứ sang Trung Hoa, một trong những tiêu chí hàng đầu là người đó phải có tài "chuyên đối", tức khả năng ứng đối một cách sắc bén, linh động, thỏa đáng; sự ứng đối đó không chỉ bằng lời nói, mà còn phải bằng thơ văn. Nói cách khác, người làm Chánh sứ phải có tài văn chương.

Có thể thấy, mặc dù Toàn Việt thi lục chỉ chép lại được 18 bài thơ sứ trình của Lưu Đình Chất, song ngần ấy cũng đủ để người đọc thấy được phẩm chất, tài năng thơ ca và phần nào là tài năng ngoại giao của ông".

Đánh giá về Danh nhân Lưu Đình Chất, nhà sử học Phan Huy Chú trong sách Lịch triều hiến chương loại chí khen ngợi: "Từ đời Hoằng Định đến Dương Hòa, Thịnh Đức là lúc triều đình lắm việc, phải sửa chính ở trong, dẹp loạn ở ngoài… Ông Lưu Đình Chất ở Quỳ Chử bày tỏ mưu hay, bổ ích rất nhiều".